View: 951 | Category: Kinh Thánh
Chân Lý Trong Kinh Thánh - P. III
 

 

 

Chân Lý Trong Kinh Thánh

 

Phần ba

 

ÁP DỤNG

 

(tiếp theo và hết)

 

Lm Giuse Nguyễn Tất Trung, op

 

 

 

Lời Thiên Chúa đã nên xác phàm, Lời Thiên Chúa cũng đã thành chữ viết cho ta. Khi đến với nhân loại, Lời Thiên Chúa đã mang lấy mọi nỗi yếu hèn của con người, thì khi thành chữ viết cho con người, Lời Thiên Chúa cũng mang lấy thể thức, mang lấy cách diễn đạt của con người. Đó là việc Thiên Chúa “chiếu cố” (synkatabasis), hạ mình xuống đồng hàng với con người, Người thích nghi với phong tục, thể chế, cách suy nghĩ, diễn đạt, văn hoá của con người. Cụ thể nơi Đức Kitô. Người đã nên mẫu gương hạ mình : chấp nhận sống trong những điều kiện của kiếp phàm nhân. Đối với Lời Thiên Chúa thành chữ viết cho con người cũng thế. Ngay từ Cựu Ước, các từ ngữ, cách hành văn phản ánh thời đại, văn hóa, tư chất của của mỗi soạn giả thánh rất khác nhau. Tất cả đều làm chứng Thiên Chúa yêu thương, nhân từ, thích nghi với loài người. Vậy vì “Thiên Chúa dùng loài người theo thể thức của loài người để nói với loài người”, nên điều gì mà từ ngữ loài người cho là không sai lầm thì trong Lời Thiên Chúa cũng vậy.

 

Đàng khác, cũng cần phân biệt lý trí là ân huệ tự nhiên Thiên Chúa ban với mặïc khải là ân huệ siêu nhiên. Ta đừng chỉ tìm trong Kinh Thánh những chân lý tự nhiên về con người, vũ trụ, thậm chí về Thiên Chúa nữa. Những chân lý ấy là đối tượng tìm hiểu của lý trí với những phương pháp của khoa học và những suy tư của triết học. Các soạn giả thánh muốn nhằm các chân lý siêu nhiên là những điều vượt quá tầm của lý trí. Vì thế nếu đôi khi soạn giả thánh có nhấn mạnh đến những chân lý tự nhiên nào đó, thì cũng chỉ vì ông thấy hữu ích cho việc am hiểu và đón nhận ơn cứu độ mà thôi. Ví dụ vấn đề độc thân. Kiểu phân biệt này ta tưởng là tầm thường, nhưng chính vì không rõ rệt cho nên có nhiều tranh luận giữa các nhà minh giáo Công giáo với hệ tư tưởng duy lý cách nay hai thế kỷ. Vì đó mà có những khó khăn trong các lãnh vực luân lý, khoa học và lịch sử. Đây là một vài ví dụ :

 

1. Trong lãnh vực luân lý

 

Kinh Thánh bị các nhà tư tưởng duy lý (Voltaire) thế kỷ XVIII cho là có những khiếm khuyết về luân lý, chẳng hạn như chuyện các Tổ phụ ”gian dối” (x. St 12,10 tt ; 27,1 tt), sự độc ác dữ tợn người Israel gây ra trong chiến tranh (Gs 6,16 tt...), thái độ mập mờ của bà Giuđitha đối với Holopherne.

 

Trường hợp thứ nhất : Các soạn giả thánh không phải lúc nào cũng tán đồng thái độ của những nhân vật trong truyện kể. Các ngài không cho các Tổ phụ là những đấng thánh mà là những con người cần có ơn Thiên Chúa trợ giúp để nên hoàn hảo (x. chú thích KT. NTT, tr. 28).

 

Trường hợp thứ hai : Những lệnh truyền nghiêm khắc như trên có thể giải thích ba cách : một là do tính yếu đuối loài người, Thiên Chúa phải che chở cho họ khỏi bị nhiễm những thói xấu, những lầm lạc của dân ngoại. Thiên Chúa nhân nhượng để rồi Người hoàn tất trong Tin Mừng (x. chú thích KT. NTT, tr 447). Hai là có thể do văn loại như thế. Cuối cùng, dẫu cho luân lý trong Kinh Thánh có cao siêu, nhưng ta cũng đừng cho đó là một bộ luật luân lý. Đúng hơn, nó làm chứng về một Thiên Chúa hạ mình, chiếu cố con người, thích nghi hoạt động theo sự yếu đuối của loài người (x. Mt 19,8). Nói cho cùng, có lẽ đó là cách để giải thích những bất toàn về luân lý ta gặp thấy nơi những khuôn mặt lớn trong Kinh Thánh. Và như vậy có thể coi Kinh Thánh là một khoa sư phạm, một khoa sư phạm tiệm tiến Thiên Chúa dùng để giáo dục con người, đưa con người từ tình trạng hiểu biết luân lý thấp kém lên đến mức độ của Tin Mừng. Người tỏ cho con người thấy mỗi lúc một ít cái lý tưởng con người được mời gọi đạt tới để nên giống như Người. Do đó không lạ khi thấy những người ở thời đầu lịch sử thánh ra như không hiểu những luật của Thiên Chúa ở mức độ Bài Giảng Trên Núi yêu cầu.

 

2. Trong lãnh vực khoa học

 

Những thành tựu của khoa học vào thế kỷ XIX làm đảo lộn cái nhìn của người Israel xưa về thế giới, vũ trụ. Trái đất nay khoa học cho thấy là xoay quanh mặt trời chứ không phải mặt trời quay quanh trái đất nữa. Cấu tạo của trái đất là những tầng địa chất, kéo dài nhiều thế kỷ chứ không phải bỗng dưng thành hình. Các loài dần dần xuất hiện kế tiếp nhau. Thời tiền sử không ứng hợp với cách tính thời gian trong sách Sáng thế…

 

Để giải quyết vấn đề, J. Diderot và Mgr d'Hulst đã giới hạn tính vô ngộ vào những điều thuộc phạm vi đức tin và phong hóa, nhưng chủ trương này đã không được Huấn quyền chấp thuận. Huấn quyền cũng không vì thế mà chấp thuận chủ trương “hòa hợp” (concordisme), đồng hóa các ngày trong sách Sáng thế với những giai đoạn thành hình trái đất và chủ trương theo 2 Pr 3,5 - “lý thuyết hiện đại về việc các vật thể được cấu tạo bằng hydrogène” và cứ như thế các nhà chú giải theo khuynh hướng hòa hợp luôn chạy theo những biến chuyển của khoa học mà giải thích Kinh Thánh khiến không tránh khỏi những cách giải thích ngộ nghĩnh, buồn cuời.

 

Thông điệp Providentissimus Deus đã nhắc lại lời của thánh Augustinô : “Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng phán dạy qua các soạn giả thánh, không muốn dạy con người những điều không hữu ích cho ơn cứu độ”. Hồng y Baronius : ”Kinh Thánh dạy ta làm thế nào về trời chứ không dạy trời vận hành thế nào”. Thánh Tôma : “Ông Mô sê... đã nói theo điều mắt thấy tai nghe (appenrences sensibles) (I Pars q. 70 a. 1 ad 3) và về sách Gióp (26,7) : “Đấy là nói theo cách suy nghĩ của công chúng. Kinh Thánh vẫn quen làm như thế”. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã lấy lại học thuyết cổ truyền này, các soạn giả thánh khi nói hoặc dùng những hình ảnh thì các ngài không tìm xem nó có đúng với khoa học không. “Trước hết và hiểu đúng nghĩa thì ngôn ngữ thường phô diễn cái gì đập vào giác quan. Các soạn giả thánh không làm gì khác hơn, các ngài cũng để ý đến các vật hữu hình tức là những cái mà chính Thiên Chúa khi nói với con người đã có ý dùng cách thức loài người để họ hiểu”. Không có xung đột giữa khoa học và thần học khi mỗi bên đi theo con đường riêng của mình. Do đó không sợ có mâu thuẫn, miễn là phải hiểu Kinh Thánh theo những qui luật về ngôn ngữ riêng của nó. Khoa học cũng đừng gò ép giác quan bằng những chứng minh khả nghiệm, ít căn cứ vào kinh nghiệm cho bằng dựa vào những định đề triết học ác cảm với măïc khải.

 

Tóm lại, nếu soạn giả Kinh Thánh có nói đến vòm trời, đến mật cá để chữa mắt, rượu để chữa bệnh bao tử, con thỏ là giống nhai lại, mạch nước phát xuất từ một vực thẳm lớn ở dưới đất thì âu cũng chỉ là cách diễn tả. Các vị muốn nói một cái gì khác hơn là quả quyết về cách cấu tạo vật lý hoặc địa chất của địa cầu. Khi tả việc sáng tạo, các ngài không xét theo lịch sử tự nhiên, nhưng muốn đưa ra một định nghĩa thần học về con người trong một vũ trụ có tổ chức lớp lang như thế.

 

3. Trong lãnh vực lịch sử

 

Xung đột giữa ý nghĩa của Kinh Thánh với những khoa học tự nhiên không còn là vấn đề của ngày hôm nay nữa. Khoa học và thần học, mỗi ngành đều có phạm vi riêng của mình. Kinh Thánh, nếu được giải thích cho đúng, không thể có những những mâu thuẫn với những kết luận của khoa học được. Nhưng với lịch sử thì vấn đề có khác. Vì dầu sao lịch sử có liên hệ gần hơn với bản chất của sứ điệp Kinh Thánh : Kinh Thánh có tính lịch sử. Thiên Chúa không ban cho soạn giả thánh đoàn sủng để phân tích vũ trụ một cách có khoa học, nhưng các soạn giả thánh lại được ơn để trình bày sự phát triển của kế hoạch Thiên Chúa nhằm cứu độ gian trần qua những trình thuật lịch sử. Nhưng cũng nên thận trọng.

 

a. Đã có lúc người ta chủ trương giải thích một số những dị biệt giữa phát biểu của Kinh Thánh vớiø những kết quả nghiên cứu lịch sử Cận Đông, bằng cách cho rằng các soạn giả thánh viết lịch sử theo hiện tượng xuất hiện nơi giác quan (“apparences historiques”). Lập trường này đã không được Đức giáo hoàng Bênêđictô XV chấp thuận trong Thông điệp Spiritus Paraclitus. Kinh Thánh là một chứng từ về việc Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử : Người đem ơn cứu độ và thiết lập Nước của Người. Nay nếu Kinh Thánh dựa vào những sự kiện không có thật để phác họa lịch sử thánh, há đức tin và niềm hy vọng của con người lại chẳng dựa vào cái gì hư không đó sao ?

 

b. Chúng ta ngày nay thích những gì chính xác. Khuynh hướng này càng được áp dụng vào lãnh vực lịch sử. Nhưng nếu xét theo những tiêu chuẩn của ta ngày nay thì các tác giả viết lịch sử trong Cựu Ước thật là quá phóng khoáng, đến độ gọi được là quá tự do nữa. Niên biểu không chính xác. Những gì không hợp với quan điểm, với mục đích thì bỏ qua. Do đó một câu chuyện sử lắm khi ta thấy có nhiều thiếu sót, thậm chí không chính xác nữa. Nhưng không thể lấy những qui luật thời nay mà phê phán các soạn giả thánh được.

 

- Có lẽ lịch sử theo cách trình bày của chúng ta ngày hôm nay các soạn giả thánh lại coi là không đáng kể, là chưa có ý nghĩa vì nó thiếu mất động lực chi phối lịch sử. Các người chép sử trong Cựu Ước đã nhìn biến cố theo con mắt của người có lòng tin. Ý tưởng về Thiên Chúa luôn luôn xuất hiện trong lòng trí của soạn giả. Trong bất kỳ biến cố nào cũng đều thấy có bàn tay Thiên Chúa. Chỉ khi nào nhìn như vậy, ta mới thấy được đâu là hướng đích thực của niên biểu chính xác.

 

Đối với các soạn giả Tân Ước, biến cố Đức Giêsu nhập thể là một ý tưởng chủ chốt nữa thu hút tất cả sự chú ý của soạn giả.

 

- Nên nhớ các nhà viết sử trong Kinh Thánh không phải là các sử gia hiện đại, do đó không nên lấy những tiêu chuẩn của sử học ngày nay áp dụng cho các sách sử trong Kinh Thánh. Sử gia ngày nay trình bày sự kiện lịch sử trong thực tế khách quan. Nhưng đó không phải là cách chép sử duy nhất. Cũng không phải đó là cách chép sử các soạn giả thánh đã theo.

 

c. Như vậy lịch sử trong Kinh Thánh là thứ lịch sử được nhìn và trình bày theo góc cạnh tôn giáo, “những sự việc các soạn giả thánh kể lại được các ngài cho là đúng hay sai là tùy theo các ngài đã muốn căn cứ vào đó để làm cho người ta hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa hành động ở trần gian này, tùy theo các sự việc ấy liên quan trực tiếp đến lịch sử cứu độ như thế nào. Nhưng lịch sử cứu độ lại không hoàn toàn bao quát tất cả lịch sử thế giới cũng như lịch sử chính trị của Israel... Vì thế trong nhiều trường hợp, soạn giả thánh có thể chỉ viết phỏng chừng, bỏ qua nhiều chi tiết của sự việc” (A. Barucq và H. Cazelles, Introduction à la Bible I, tr. 65).

 

Soạn giả thánh nhìn và trình bày sự kiện theo chiều hướng thiêng liêng. Đó là điều duy nhất có ý nghĩa đối với soạn giả thánh. Chúa Thánh Thần cũng hướng dẫn và đảm bảo chân lý cho khía cạnh này tức là chủ đích giáo huấn. Thế nên khi coi Kinh Thánh là một cuốn lịch sử viết có khoa học và tìm chân lý của thứ lịch sử ấy sẽ là trái với ý Thiên Chúa. Ơn đoàn sủng chỉ sáng soi những sự kiện lịch sử theo góc cạnh phù hợp với mục đích của sách thánh mà bỏ qua những gì còn lại... (x. P. Benoit, Initiation biblique, tr 37).

 

4. Chân lý trong Kinh Thánh (N. Lohfink)

 

Thần học quen gọi là tính vô ngộ của Kinh Thánh, nhưng đó là khái niệm hướng nhiều về khía cạnh tiêu cực. Người ta thích kiểu nói : chân lý trong Kinh Thánh, nó tích cực hơn. Vấn đề Kinh Thánh không sai lầm là một vấn đề mới, đặt ra hồi hậu bán thế kỷ XIX khi bắt đầu có cái gọi là “vấn đề Kinh Thánh” : chủ yếu tìm cách dung hòa những tri thức hiện đại (về khoa học tự nhiên và lịch sử) với những phát biểu của Kinh Thánh có liên quan đến những vấn đề đó.

 

Có thể trưng dẫn vô số các bản văn của các Giáo phụ bênh vực tính vô ngộ của Sách Thánh, nhưng các Giáo phụ chỉ nói đến tính vô ngộ để làm điểm tựa vững chắc cho một số những lý lẽ chứng minh tín lý nhân có tranh luận về một điểm nào đó.

 

Thông điệp Providentissimus Deus (Đức Lêô XIII, 1893) đi theo một chiều hướng khác hẳn, trực tiếp trả lời cho “vấn đề Kinh Thánh”. Nhưng dầu vậy thông điệp vẫn còn mang tính cách hộ giáo : trong thực hành, thông điệp đồng hóa chân lý khách quan của Kinh Thánh với tính vô ngộ. Thông điệp lập lại một lời thánh Giêrônimô quả quyết rằng : nếu có một câu Kinh Thánh xem chừng mâu thuẫn với chân lý (khách quan) thì chỉ có thể có ba cách cắt nghĩa : một là do việc sai sót khi lưu truyền bản văn, hai là dịch sai, ba là người cắt nghĩa giải thích sai.

 

Nhưng không vì thế đã giải quyết gãy gọn mọi khúc mắc. Thực sự khi có nhiều cách trình bày khác nhau, có khi mâu thuẫn nhau, về cùng một sự kiện (ta hay gặp nhất trong Cựu Ước, và cả trong Tin Mừng nữa), thì áp dụng qui tắc của thánh Giêrônimô và thông điệp Providentissimus Deus không đủ, bởi vì không thể nào đồng thời bênh vực chân lý của hai hay ba cách trình bày khác nhau, nhất là lại mâu thuẫn nhau nữa. Nhưng dần dà người ta hiểu biết nhiều hơn cái “tiền sử văn chương” của các bản văn Kinh Thánh, người ta chú trọng nhiều hơn về các thể loại văn học đã được các soạn giả thánh sử dụng ở vào một thời đại, một môi trường nhất định, cụ thể nào đó như bất cứ một tác giả loài người nào khác. Vì đó cần phải có một ý niệm điều hòa hơn về tính vô ngộ. Divino afflante Spiritu đề cao sự tự do của các nhà chép sử trong Kinh Thánh.

 

Cũng cần chú ý đến thành tựu của triết học trong khái niệm sai lầm. “Error in judicio est”, chỉ có thể nói đến sai lầm ở phán đoán. Vì thế không thể coi những trái ngược giữa hai trình thuật song song với nhau là những sai lầm, bởi vì soạn giả thánh khi chấp nhận trình bày hai bản văn, hai câu chuyện trái ngược, vẫn giữ được phán đoán của mình về chân lý khách quan của các sự việc. Rồi cũng đừng quên là ngôn ngữ của chúng ta ngày nay không hoàn toàn giống ngôn ngữ của triết học Kinh Viện. Chúng ta quen cho những kiểu nói không chính xác là những sai lầm thậm chí đó chẳng phải là những bài học chính thức (enseignements formels). Cũng vậy, ta chỉ có thể nói về tính vô ngộ đối với những phát biểu Kinh Thánh trong đó soạn giả thánh có một phán đoán chính thức (jugement formel). Đó là trường hợp ông muốn cho độc giả một bài học, một giáo lý về Thiên Chúa và hoạt động của Người trong lịch sử, về con người và những quan hệ giữa con người với Thiên Chúa, nói tắt là khi ông muốn trình bày một giáo lý về ơn cứu độ. Một ý niệm hoàn hảo về tính vô ngộ của Kinh Thánh sẽ phải làm sao phân biệt được những phát biểu thuần túy, không hơn không kém (tức không có một phán đoán nào về thực trạng của sự vật) của Kinh Thánh với giáo huấn của Kinh Thánh hiểu thật đúng nghĩa (tức là bao giờ cũng có một phán đoán chính thức).

 

Nhưng ngay cả với những cách diễn tả về đạo lý ở trong Kinh Thánh, cũng cần phải để ý một điều mà chỉ các nhà chú giải thời mới mới để ý đến, cho dầu thường gặp trong Cựu Ước cũng như Tân Ước, đó là : sứ điệp của Kinh Thánh hay lẫn lộn với những tư tưởng thuộc về nền văn hóa của soạn giả và những độc giả trực tiếp đọc tác phẩm lúc đó, lệ thuộc vào hình ảnh, quan niệm của họ về thế giới lúc bấy giờ. Kinh Thánh không mang đến cho ta một bài học trừu tượng, mà cụ thể và có tính lịch sử nữa. Chân lý măïc khải có giá trị và cần thiết cho mọi người, ở mọi thời đại lại xuất hiện, qua những tường thuật của Kinh Thánh, trong tư thế liên kết với những tư tưởng của một thời đại nhất định, những tư tưởng ngày nay ta không thể chia sẻ và cũng không ai buộc ta phải chia sẻ những quan niệm ấy. Trong nhiều bản văn Kinh Thánh, thực không dễ tách cái gì thuộc nội dung của măïc khải đích thực với cái được coi là tư tưởng thuộc về một thời đại. Nhưng dầu sao cũng phải phân biệt - đối với cả Cựu Ước cũng như Tân Ước - đối tượng riêng (objet propre) của những phát biểu trong Kinh Thánh với những tư tưởng lệ thuộc vào thời đại. Ta chỉ có thể nói là bản văn không vướng mắc sai lầm trong trường hợp thứ nhất.

 

Nhưng xem chừng không thể giải quyết đầy đủ vấn đề không sai lầm của Kinh Thánh chỉ thuần túy dựa vào cách phân biệt thể loại văn học, phân biệt phát biểu đơn thuần với giáo lý, phân biệt nội dung thực sự với những ý tưởng phụ thuộc chung quanh, dẫu cho những phân biệt đó cần thiết và quan trọng đi chăng nữa. Những tầng lớp cổ kính của Kinh Thánh khiến ta phải đối diện với những phát biểu mà soạn giả thánh thực sự có những phán đoán về thực trạng của sự vật, nhưng đồng thời lại lợi dụng để trình bầy cho độc giả một giáo huấn tôn giáo. Đây là hai ví dụ điển hình :

 

Có thực soạn giả sách Sáng thế ch. 1 không có ý dạy gì khác ngoài chuyện Thiên Chúa sáng tạo toàn thể vũ trụ hay không ? Vậy thì những gì còn lại chỉ là những cái phụ không đáng kể ? Liệu ông có muốn trình bày một giáo huấn về cấu trúc của vũ trụ, về cách thức Thiên Chúa sáng tạo không ? Liệu các độc giả thời bấy giờ có chỉ đọc và thấy sự kiện Chúa sáng tạo mà thôi không ?

 

Tác giả sách Giosuê ch. 6 – 8  thực sự có một phán đoán ở đó không ? Ông Giôsuê phá hủy thành Giêrikhô và thành Hai hay là Thiên Chúa đích thân can thiệp để giải phóng Israel ? Theo những khám phá của khoa khảo cổ mới đây, ta phải nhận quan điểm nào ?

 

Đấy, nếu chỉ khảo sát bản văn mà thôi sẽ không thể trả lời được. Quả như thế, người ta đã phân tích thể loại văn chương của Gs 6 – 8  và thấy rằng tác giả có biết về thể loại anh hùng ca và truyền thuyết khi thuật lại câu truyện. Nhưng trong trường hợp này và nhiều trường hợp khác, rõ ràng soạn giả thánh có bỏ không đưa ra một phán đoán, hay không muốn trình bày một giáo huấn không ?

 

N. Lohfink nghĩ rằng chúng ta hay đến với Kinh Thánh một cách quá tĩnh (trop statique) và đó là một trở ngại đối với việc giải quyết tận căn vấn đề Kinh Thánh không sai lầm. Ông đã đề nghị một góc nhìn hữu cơ (organique) hơn, một góc nhìn về quá trình tiến hóa tuy chậm nhưng liên tục của Cựu Ước trước khi kết thúc trong Tân Ước. Trong tiến trình ấy, một phát biểu không ngừng được sửa chữa do một phát biểu sau đó cho đến lúc hoàn hảo tức là Tân Ước. Đó là lúc cuốn sách hoàn tất trọn vẹn. Nguyên tắc làm nền tảng, điểm khởi hành là tính thống nhất (unité), là tính toàn bộ (totalité) của Kinh Thánh. Nếu không, không thể hiểu được ý nghĩa cuối cùng của các bản văn. Dưới đây là những nét chủ yếu trong nỗ lực của N. Lohfink mà chúng tôi cho là thích hợp để đẩy cuộc tranh luận về vấn đề Kinh Thánh vô ngộ tiến đến chỗ chung kết.

 

Muốn giải thích một bản văn Kinh Thánh nào, phải khởi đi từ văn mạch trong đó có bản văn và dùng văn mạch đó làm hệ thống để tham chiếu. Cũng như thế, một văn mạch chỉ có thể được giải thích đầy đủ nếu khởi đi từ tính toàn thể của Kinh Thánh. Duy biến cố Đức Giêsu Kitô là cao điểm hoàn tất công trình Cựu Ước. Duy cái nhìn của Giáo Hội, nhìn toàn bộ Kinh Thánh khởi đi từ Đức Kitô, cho phép ta đến được với ý nghĩa trọn vẹn của Kinh Thánh, đạt đến mức để ta có thể nói về tính cách không sai lầm của Kinh Thánh. Trước đó, những bản văn này bản văn kia của Cựu Ước vẫn ở trong tình trạng tiến hóa không ngừng, vẫn trên đường tiến về ý nghĩa chung cuộc. Như vậy không nhất thiết ý nghĩa đầu tiên của những bản văn Cựu Ước phải là không sai lầm. Kinh Thánh chỉ không sai lầm “khi người ta đọc nó như một toàn bộ và khi liên kết những phát biểu đó đây với toàn bộ một cách có phê bình” (N. Lohfink).

 

Phân biệt các thể loại văn chương là việc cần thiết, nhưng chưa đủ để giải quyết vấn đề. Bởi vì trong mỗi một thể văn, soạn giả thánh có thể có ý trình bày cho người đồng thời một bài học, nhưng không vì thế mà bài học ấy đã trở thành giáo huấn không thể sai lầm của Kinh Thánh. Cần phải để ý đến những giai đoạn tạm thời (stratifications transitoires) trong ý nghĩa của Cựu Ước. Mỗi một lớp, mỗi một tầng đều đang ở trong trạng thái chuyển động, còn có thể được bổ túc, sửa chữa và có thể trở thành tương đối do những phát biểu của các soạn giả thánh đến sau, nhất là được hướng về Tân Ước và chỉ có được ý nghĩa cuối cùng khi Tân Ước đến. Như vậy muốn tìm ý nghĩa sau cùng của Cựu Ước, tức là nghĩa được miễn trừ khỏi sai lầm thì cần đưa những quan điểm của Tân Ước vào bất cứ chỗ nào mà toàn thể Kinh Thánh tìm được sự nhất quán và đồng nhất.  Cần phải khám phá ra ý hướng của “soạn giả chung kết” của Sách Thánh để xem có phải phán đoán của soạn giả này soạn giả kia trong Cựu Ước chỉ có tính cách nhất thời, giai đoạn hay đã có tính cách chung cuộc rồi. Ta chỉ có thể nói về tính vô ngộ của Kinh Thánh nếu ta coi Kinh Thánh như là một toàn bộ đã hoàn tất và, do đó, là cuốn sách của Hội Thánh. Tác giả St 1 dạy rằng Thiên Chúa đã sáng tạo vạn vật. Nhưng hơn thế nữa, có thể ông đã muốn đưa ra những nhận định khác về cấu trúc của công trình sáng tạo đó. Nhưng nếu nhìn theo toàn bộ Kinh Thánh thì rõ ràng giáo huấn cuối cùng chỉ nhắm vào phương diện Thiên Chúa sáng tạo mà thôi. “Đó là lý do tại sao những ý niệm về vũ trụ luận được đặt gần nhau và tương đối hóa lẫn nhau. Nhưng Tân Ước sẽ chỉ duy trì xác quyết nói về Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Duy chỉ có lời quả quyết ấy trong St 1 được coi là không sai lầm chứ không phải những đề tài nói về nguồn gốc vũ trụ”.

 

Còn trường hợp Gs 6 – 8. Tác giả muốn cho các độc giả thời của ông biết thành Giêrikhô và thành Hai thực tế đã bị ông Giosuê triệt hạ. Nhưng toàn thể sứ điệp Kinh Thánh không có ý giữ lại những chi tiết nói về việc dân Israel đánh chiếm xứ sở đó, mà chỉ duy trì một quả quyết liên quan đến lịch sử cứu độ : Thiên Chúa đã ban đất hứa cho Dân của Người. Bài học của Kinh Thánh chỉ nhắm đến giáo lý về ơn cứu độ và chỉ có nó mới là đối tượng của ơn vô ngộ trong Kinh Thánh mà thôi.

 

Khoa chú giải có tính cách lịch sử phải giúp ta nhận ra ý nghĩa mà các tác giả Cựu Ước có ý trình bày, cũng như ý nghĩa mà các độc giả đầu tiên, những người trực tiếp đón nhận các tác phẩm ấy đã hiểu. Nhưng đó mới chỉ là bước thứ nhất, một giai đoạn tạm thời trong toàn thể công tác chú giải, và chỉ kết thúc khi người ta đạt đến chân trời của độc giả cuối cùng, tức là Hội Thánh của Tân Ước. “Sau khi đã thiết lập được những phát biểu tiên khởi, còn phải bắt đầu một khoa chú giải diễn tả được tính toàn thể (totalité) từ dữ kiện Kinh Thánh. Duy chỉ khi đó ta mới đạt đến cái lãnh vực mà Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa ngỏ với chúng ta, và chỉ ở đó Kinh Thánh mới không sai lầm”.